Hướng dẫn kỹ thuật trồng na chi tiết từ A - Z

08:45:02 10/05/2023

Na là loại cây ăn quả được ưa chuộng tại nước ta. Na có vị ngọt, vị chua không nhạt lại có hương thơm nên rất nhiều người yêu thích loại quả này. Vậy kỹ thuật trồng na như thế nào để mang lại năng suất cao? Cùng VNFarm tìm hiểu ngay nhé!

Xem nhanh

1. Trồng na cần chuẩn bị gì?

Cùng VNFarm tìm hiểu quá trình chuẩn bị nguyên vật liệu trước khi thực hiện cách trồng na như sau:

1.1. Chuẩn bị đất trồng na 


Na không kén đất trồng, tuy nhiên để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất thì nên chọn những loại đất tơi xốp, dễ thoát nước và độ pH trung bình từ 5,5 - 6. 

Bà con cũng có thể sử dụng đất được bán sẵn hoặc có thể tự trộn đất với phân gà, phân trùn quế, phân bò hoai mục, xơ dừa, vỏ trấu, than bùn, mùn hữu cơ,... Nên bón lót với vôi, phơi ải khoảng 7 - 10 ngày trước khi trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất. 

1.2. Chuẩn bị vật dụng trồng na


Bà con có thể tận dụng bao xi măng, khay, chậu, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc trồng trực tiếp tại mảnh đất trong vườn để thực hiện cách trồng na. Nếu trồng trong các dụng cụ như chậu, thùng xốp thì nên đục lỗ thoát nước để cây không bị úng trong quá trình trồng. Dụng cụ trồng na phải có đường kính từ 50cm trở nên. 

1.3. Thời vụ và mật độ trồng na


Thời vụ thực hiện cách trồng na thường vào đầu mùa xuân và có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 9. Na nên trồng ở mật độ cao mỗi cây chiếm diện tích 2x3m. 

1.4. Chọn giống na để trồng


Na thường được trồng bằng cách gieo hạt hoặc ghép. Khi chọn giống nên chọn những cây mẹ năng suất cao, chất lượng tốt và đã cho thu được 4 - 5 vụ quả ổn định. Chọn những quả có mắt to, to tròn và trọng lượng 200 - 300g/quả, để chín kỹ. 

Sau khi ăn, giữ lấy hạt cho vào rổ, dùng tro bếp, cát to xát bỏ hết thịt quả, đãi sạch và phơi khô giòn trong nắng nhẹ 20 - 30 độ C, không nên phơi dưới buổi trưa nắng to. 

Khi trồng na bằng cách ghép nên chọn những cây mẹ có trái to ít hạt, hạt nhỏ, độ đường cao, dễ vận chuyển. Bà con có thể thực hiện kỹ thuật trồng na bằng cách ghép áp, ghép cành hay ghép mắt. 

2. 2 kỹ thuật trồng na phổ biến nhất hiện nay

Kỹ thuật trồng na bằng hạt, bằng phương pháp ghép cành đang được rất nhiều bà con lựa chọn, chi tiết từng phương pháp trồng sẽ được VNFarm bật mí chi tiết qua bài viết bên dưới đây.

2.1. Kỹ thuật trồng na bằng hạt


Trước khi tiến hành cách trồng na bằng gieo hạt. Bà con phải phải ngâm hạt trong nước sạch khoảng 12 - 24 giờ, đãi sạch sau đó đem ủ trong cát ẩm. Khoảng 15 - 20 ngày sau khi hạt nứt nanh, cho vào bầu nilon đã đục thủng hai đáy có kích thước 5 x 20 cm để trồng. Khi trồng nên đặt hạt sâu từ 2 - 3cm. Xếp bầu thành từng luống, làm giàn che chắn mưa to, nắng rát và sương lạnh. 

Khi cây con 2 - 3 tháng tuổi cao 20 - 25 cm, có 5 - 6 lá thật, thân mập thì đem đi trồng. 

2.2. Kỹ thuật trồng na bằng cách ghép


Kỹ thuật trồng na bằng gốc ghép có thể dùng cây gieo bằng hạt của cây na hoặc mãng cầu xiêm, bình bát. Khi đường kính của cây đạt 0.8 - 1cm có thể tiến hành ghép. Mắt ghép lấy trên những cành đã rụng lá. Nếu gỗ đã già mà lá chưa rụng thì tiến hành cắt phiến lá để lại cuống, 2 tuần sau cuống sẽ rụng và có thể lấy mắt ghép. 

Khi trồng na cần đào hố rộng và sâu khoảng 50cm. Khoảng cách trồng cây na là 3mx4m hay 3mx3m. 

Sau khi chuẩn bị cây giống, đất và dụng cụ thì có thế tháo bỏ lớp nilon bao rễ, trồng na giống vào dùng tay chèn nén chặt quanh cổ cây không cho cây lung lay khi tưới. Tưới nước bằng vòi phun nhẹ. 

3. Hướng dẫn cách chăm sóc cây na sau khi trồng 

Thực hiện tốt kỹ thuật trồng na thì quá trình chăm sóc cây sau này sẽ đơn giản hơn rất nhiều, cây nhanh xanh tốt và cho chất lượng cao. Chi tiết cách chăm sóc na như sau:

3.1. Tưới nước cho cây na


Bà con nên tưới nhiều nước cho cây nhất là vào mùa khô, giai đoạn nuôi quả và quả sắp chín. Trong thời gian đầu sau khi mới trồng, việc tưới nước cần phải duy trì từ 3 - 4 ngày/lần. 

Càng về sau thì số lần tưới sẽ ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc, có thể dùng rơm mục, cỏ khô tủ ại xung quanh gốc, tủ phần tán cây có bán kính 0.8 - 1m và để trống đất cách gốc 20cm. Để hạn chế côn trùng, sâu bọ làm tổ và phá hoại gốc. 

3.2. Làm cỏ cho cây na sau khi trồng


Cần làm cỏ thường xuyên, tùy thuộc vào đặc điểm của từng vùng ta có cách xử lý cỏ phù hợp khác nhau, phơi khô cỏ sau đó tủ lại xung quanh gốc cây. 

3.3. Bón phân cho cây


Xem thêm:

Vào 3 năm đầu cần bón nhiều đạm để cây sinh trưởng thân, lá tốt. Bà con nên bón phân NPK theo tỷ lệ 2:1:1 và cứ mỗi tháng bón 1 lần khi thời tiết ẩm. Mỗi cây nên bón 0.1 - 0.2 kg urê + 0.03 - 0.1kg kali + 0.2 - 0.5kg supe lân, cách gốc khoảng 50 - 60cm vào 2 hốc đối xứng (Đông Tây và Nam Bắc). 

3.4. Phòng trị sâu bệnh gây hại ở cây na


Cây na ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên, bà con cần chú ý phòng trị rệp sáp, chúng thường xuyên xuất hiện ở những vườn ít chăm sóc. Khi cây chưa có trái rệp sẽ bám ở dưới mặt lá, dễ nhận thấy màu trắng sáp và các tua trắng quanh mình, sinh sôi ở đó. Khi na có trái thì bám vào trái hút nhựa, từ khi trái còn non đến khi trái chín, thường ở kẽ giữa các múi vì chỗ này vỏ mỏng, không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn khó bán được, làm cho quả có vị nhạt.

Bà con có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học Vansi để tiêu diệt rệp sáp. Xịt vào cuối vụ, khi không còn trái. Khi có trái, xịt cả vào trái và lá. Khi trái sắp chín, không xịt thuốc nữa. ‘

4. Thu hoạch na


Na được thu hoạch theo nhiều đợt khi quả đã mở mắt (nở gai) và vỏ chuyển sang màu vàng xanh. Nên tiến hành hái quả còn một đoạn cuống và đợi khoảng vài ngày khi chín mềm là ăn được. 

Bà con nên sử dụng giấy báo hoặc xốp lưới bảo vệ quả để có thể được vận chuyển đi xa. 

Trên đây là những thông tin liên quan đến kỹ thuật trồng na chi tiết nhất. Mong rằng qua những kiến thức này có thể giúp bà con tự trồng và chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là cây na nhanh tốt và cho sai quả. Nếu muốn biết thêm nhiều thông tin về nông nghiệp, bà con hãy ghé VNFarm thường xuyên nhé! 


Liên hệ