Cách trồng lan Đai Châu đúng kỹ thuật cho hoa đúng dịp Tết
Lan Đai Châu là loại hoa được nhiều người yêu thích và trồng ngày càng nhiều. Lan Đai Châu sẽ không quá khó trồng nếu bạn biết cách trồng và chăm sóc đúng cách, rất phù hợp với những người mới tập chơi. Đừng bỏ qua bài viết này, VNFarm sẽ hướng dẫn cách trồng lan Đai Châu chi tiết nhất cho bạn nhé!
1. Giới thiệu cây lan Đai Châu
Cây lan Đai Châu
Lan Đai Châu hay còn gọi là lan Tai Trâu, lan Ngọc Điểm, lan Lưỡi Bò, lan Nghinh Xuân. Đây là loại lan rừng có nguồn gốc ở Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Đai Châu thuộc loại cây đơn thân không giả hành và phát triển theo chiều đứng, có rất nhiều rễ và mọc thẳng từ thân lên.
Thường nở hoa vào tháng 12 Âm lịch, hoa có mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu.
Lan Đai Châu chịu nóng rất giỏi, nhiệt độ của cây dao động từ 25 - 30 độ C, có khả năng chịu độ ẩm khá tốt, độ ẩm càng cao cây càng sinh trưởng và phát triển mạnh.
Hoa lan Đai Châu có màu trắng với những đốm li ti màu tím rất bắt mắt. Ngày nay, nhờ cấy ghép mà lan Đai Châu còn có những màu phong phú như hồng, cam, vàng, đỏ,...
2. Cần chuẩn bị gì để trồng lan Đai Châu?
Trồng lan Đai Châu cần chuẩn bị gì?
2.1. Thời vụ trồng lan Đai Châu
Lan Đai Châu có thể trồng quanh năm, nhưng thời điểm tốt nhất để thực hiện cách trồng lan Đai Châu vào mùa xuân hoặc mùa hè, từ tháng 3 - 4 dương lịch hàng năm, thời gian này cây nhanh ra rễ và cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
2.2. Chọn giống để trồng lan Đai Châu
Lan Đai Châu có 2 loại giống để trồng là loại được hái trên rừng và loại nuôi cấy mô. Nên chọn cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, cây phải có từ 3 năm tuổi trở lên, có 5 - 6 lá, rễ to, khỏe.
2.3. Chuẩn bị giá thể tiến hành trồng lan Đai Châu
Giá thể trồng lan Đai Châu
Đai Châu là loại lan có kích thước lớn với bộ rễ gió, do đó cách thích hợp nhất để trồng là trồng lên các trụ gỗ. Từ lúc ghép đến khi cây sinh trưởng ổn định mất khoảng 3 - 5 năm, do đó nên tìm loại gỗ có độ bền cao để hạn chế thay gỗ thường xuyên. Bạn nên rửa sạch gỗ với nước, đem phơi nắng để khô ráo hoàn toàn. Chỉ nên chọn những khúc gỗ chắc, không bị mối mọt để đảm bảo độ bền cao.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện cách trồng Đai Châu vào chậu gỗ, chậu nhựa nhưng phải đảm bảo khô thoáng, đủ ẩm và không để cây bị úng nước sẽ dễ bị bệnh thối nhũn. Giá thể trồng lan Đai Châu có thể là gỗ cắt thành từng miếng nhỏ, vỏ thông,... Do bộ rễ to nên lan Đai Châu chỉ thích hợp với giá thể to nếu giá thể nhỏ sẽ có nhiều cạnh sắc dễ gây tổn thương cho rễ.
2.4. Xử lý cây giống trước khi ghép
Cây giống: Cắt tỉa lá già, lá bị hỏng và rễ khô. Dùng thuốc sát trùng (Daconil) bôi trực tiếp vào vết cắt hoặc phun hay nhưng ướt toàn bộ cây, treo khoảng 2 - 3 ngày cho liền sẹo. Sau đó ngâm phần gốc bằng Atonik 1/500 + B1 1/1000 trong khoảng 15 - 20 phút. Buộc thành túm (khoảng 5 ngọn) và treo ngược. Cứ 7 ngày phun dung dịch B1 1/1000 + 5ml/l Rootplex. Sau khoảng 1 tháng khi thấy cây nhú rễ thì có thể bắt đầu đem ghép lên giá thể. Đối với những cây nhân từ nuôi cấy mô có thể ghép luôn.
Giá thể: Ngâm giá thể với nước vôi hoặc thuốc trừ nấm sau đó phơi khô.
3. Hướng dẫn cách trồng lan Đai Châu
Dưới đây là 2 cách trồng lan Đai Châu phổ biến được nhiều người áp dụng nhất hiện nay đó là cách trồng lan Đai Châu trên gỗ, cách trồng lan Đai Châu trong chậu. Chi tiết cách trồng như sau:
3.1. Cách trồng lan Đai Châu trên gỗ
Cách trồng lan Đai Châu trong thân gỗ
Trước khi tiến hành cách trồng lan Đai Châu vào thân gỗ, bạn nên chuẩn bị ống nhựa nước, cắt nhỏ thành từng đoạn nhỏ có đường kính rộng khoảng 0,4 - 0,5cm, dài 5cm để cố định rễ vào gỗ.
Tiến hành ghép trực tiếp thân hoa Đai Châu vào gỗ. Khi ghép nên chọn cây nhỏ ghép trước và ghép từ trên ghép xuống, dùng dây ống nhựa cố định cây và dùng máy bắn đinh để giữ cây. Tùy thuộc vào kích thước của thân gỗ mà có thể ghép từ 5 - 7 cây hoặc 9 cây. Khi ghép bạn nên lưu ý để lưng cây ra phía ngoài để sau khi cây ra ngồng hoa có thể phát triển ra bên ngoài.
Sau khi ghép cây vào thân gỗ thì nên chuyển cây ra nơi thoáng mát để cây sinh trưởng và tránh bị héo cây.
3.2. Cách trồng lan Đai Châu trong chậu
Cách trồng lan Đai Châu trong chậu
Sử dụng chậu đất nung hoặc chậu thang gỗ có nhiều lỗ lớn, kích thước châu tùy thuộc vào số lượng cây trồng.
Tạo điểm tựa cho cây: Cố định que gốc ở gần miệng chậu. Tùy thuộc vào kích thước chậu, kích thước cây để xác định số cây ghép trên chậu để cố định nhiều hay ít que gỗ.
Sử dụng dây rút buộc chặt cây vào điểm tựa.
Chú ý: Các cây được trồng phải đứng vững, không bị dịch chuyển, các cây lan Đai Châu phải phân bố đều trên chậu và không được trồng sâu, lá dưới cùng của cây phải nằm ngang mặt chậu.
4. Cách chăm lan Đai Châu sau khi trồng
Sau khi trồng, bạn cần biết cách chăm lan Đai Châu để cây có thể phát triển và sinh trưởng tốt nhất. Sau đây VNFarm sẽ mách bạn một số lưu ý nhỏ khi chăm sóc cây nhé!
Chăm lan Đai Châu sau khi trồng
Xem thêm:
- Hướng dẫn cách trồng lan dành cho người mới chơi
- Hướng dẫn cách chăm sóc hoa lan
4.1. Tưới nước cho cây lan Đai Châu
Khi mới vừa trồng, nên thường xuyên tưới nước ngày 2 - 3 lần để giữ ẩm cho cây nhanh ra rễ. Tưới bằng vòi phun sương, tưới ẩm cho cây và giá thể. Duy trì độ ẩm giá thể từ 60 - 80%, độ ẩm không khí 80 - 90%.
Khi cây sinh trưởng ổn định thì giảm lượng nước, khoảng 1 - 2 lần/ngày. Những ngày nhiều mây độ ẩm cao thì không cần tưới nước.
4.2. Bón phân cây hoa
Sau khi cây ra rễ hoàn thiện, lá bắt đầu xanh lúc này bạn có thể tiến hành bón phân cho cây, nên bón phân có thành phần hữu cơ và vô cơ như NPK 10 - 50 - 10 hoặc NPK 20 - 20 - 20 pha từ 4 - 5g cho 10 lít nước phun lên toàn bộ thân, lá và rễ cây.
Trong quá trình thực hiện cách chăm lan Đai Châu bạn có thể sử dụng phân bón hữu cơ đạm cá Rica kết hợp với các loại phân để bón cho cây giúp cung cấp tổng hợp các chất dinh dưỡng cho cây hấp thụ tốt hơn.
4.3. Phòng trừ bệnh hại trên cây lan Đai Châu
Phòng trừ bệnh hại trên cây lan Đai Châu
Để đảm bảo hoa lan Đai Châu sinh trưởng và phát triển tốt, bạn nên phun thuốc chống nấm thường xuyên khoảng 1 lần/ tháng và nhất là vào thời điểm thay đổi thời tiết.
- Mưa nhiều cũng là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Để tránh điều này bạn nên dùng Trium để tránh thối cho cây.
- Lan Đai Châu cũng thường mắc bệnh do ruồi vàng tấn công. Để tránh tình trạng này bạn cần sử dụng thuốc diệt ruồi vàng như Disa để phòng bệnh.
4.4. Cách kích thích lan Đai Châu ra rễ
Nếu bạn muốn lan Đai Châu ra rễ nhanh thì cần xử lý cây giống trước khi trồng như cách xử lý chúng tôi đã trình bày ở trên. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc cần bổ sung thêm các loại dinh dưỡng kích thích rễ theo định kỳ như vitamin B1, các loại phân bón chứa axit fulvic, axit humic.
5. Những lưu ý khi trồng và chăm sóc cây lan Đai Châu
Một số điều cần lưu ý khi trồng và chăm sóc lan Đai Châu
Cây lan Đai Châu có giá trị cao vào thời điểm Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, khi điều kiện khí hậu biến đổi thất thường như hiện nay thì cây rất khó ra hoa đúng dịp Tết, do đó bạn cần biết cách điều chỉnh các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng và nước tưới phù hợp với sinh lý của cây.
-
Lan Đai Châu có thời kỳ ngủ nghỉ vào mùa đông nên chính vì vậy bạn nên chú ý đến nhiệt độ vào mùa đông, ban ngày luôn có nhiệt độ từ 20 - 23 độ C, ban đêm duy trì từ 16 độ C.
-
Duy trì độ ẩm cho cây đúng với yêu cầu của từng giai đoạn.
-
Để cây ở nơi thông thoáng, nhiều gió.
-
Muốn cây nở hoa sớm thì bạn nên đặt cây dưới ánh đèn để nhiệt độ ấm.
Trên đây, chúng tôi đã hướng dẫn chi tiết cách trồng lan Đai Châu. Hi vọng qua bài viết này, bạn có thể bắt tay vào trồng ngay chậu lan Đai Châu ngay tại nhà. Nếu muốn biết thêm nhiều kiến thức nông nghiệp bổ ích hãy ghé VNFarm thường xuyên bạn nhé!
VNFarm chuyên cung cấp những thông tin hay và bổ ích liên quan đến các loại hoa.