Hướng dẫn chi tiết cách trồng đậu phộng cho nhiều hạt

22:33:26 28/04/2023

Đậu phộng là loại hạt mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho con người, có thể luộc ăn hoặc nấu thành sữa cũng rất ngon. Vậy cách trồng đậu phộng có khó không? Mời bà con tham khảo bài viết sau đây của VNFarm nhé! 

Xem nhanh

1. Các bước chuẩn bị trồng đậu phộng

Trước khi thực hiện cách trồng đậu phộng thì bạn cần chuẩn một số vật dụng như sau:

1.1. Đất trồng đậu phộng


Để đậu phộng sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại năng suất cao, đất trồng là một trong những yếu tố quan trọng trong cách trồng đậu phộng. Đất phải tơi xốp, có khả năng thoát nước nhằm tạo điều kiện cho cây phát triển và rễ đâm sâu vào trong đất. Độ pH thích hợp là 5.5 - 6.5 để tạo điều kiện cho các nốt sần phát triển tốt. 

1.2. Thời vụ trồng đậu phộng


Mùa vụ phù hợp để thực hiện cách trồng đậu phộng là vụ Đông xuân và Hè Thu và có thể trồng được tại nhiều nơi ở nước ta. 

Đối với đất cù lao ven sông:

  • Vụ Đông Xuân: Gieo giống khi nước lũ rút khỏi mặt ruộng, tập trung từ ngày 15/11 đến 15/12 dương lịch.

  • Vụ Hè Thu: Gieo giống vào tháng 4-5 dương lịch để thu hoạch trước khi lũ về.

Đối với đất núi:

  • Vụ Đông Xuân: Gieo giống từ tháng 11-12 dương lịch (cuối mùa mưa) nơi có nguồn nước để tiện cho việc tưới tiêu.

  • Vụ Hè Thu: Gieo giống vào khoảng đầu mùa mưa, là mùa sản xuất chủ lực của những vùng đất này.

Vào vụ Thu Đông: Chỉ trồng ở những vùng đất cao và thoát nước tốt. Vụ này thường cho năng suất thấp, chủ yếu sản xuất để giống cho vụ Đông xuân. 

1.3. Lựa chọn hạt giống trồng cây đậu phộng


Hạt giống khi lựa chọn nếu đạt tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện cho quá trình canh tác thuận lợi, sinh trưởng nhanh chóng. Việc lựa chọn giống lạc, hạt giống cần đảm bảo những yêu cầu chính như:

Khi chọn hạt giống trồng đậu phộng, cần chọn những hạt không có sâu bệnh, hạt to, đều và mẩy. Các hạt có vỏ sáng và không bị các vết thương cơ giới. Hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao, hơn 90%. 

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống đậu phộng như: VD, VD2, VD5, L18, MD7, L14, ML25,... bà con có thể lựa chọn giống phù hợp với nhu cầu và điều kiện tại địa phương. 

2. Hướng dẫn chi tiết cách trồng đậu phộng đúng kỹ thuật

2.1. Xử lý đất trồng đậu phộng


Trước khi thực hiện cách trồng đậu phộng, bà con cần tiến hành xử lý đất kỹ. Đất cần được cày bữa kỹ và bỏ sạch cỏ dại. Đất cần đảm bảo tỉ lệ đất đường kính nhỏ hơn 1cm chiếm phần lớn, tối thiểu là 70%. Bên cạnh đó, độ ẩm của đất khi tiến hành gieo hạt cần đạt khoảng 75%.

Tiến hành lên luống cho ruộng trồng là yêu cầu bắt buộc trong kỹ thuật trồng đậu phộng. Bà con có thể tham khảo 2 cách lên luống mà chúng tôi đề ra dưới đây nhé!

  • Lên luống đảm bảo chiều rộng là 1.2m, đồng thời rãnh luống đạt mức 0.3m, chiều cao tiêu chuẩn là 15 đến 20cm. Yêu cầu trên luống cần rạch 4 hàng khoảng cách là 30cm, nằm dọc theo luống với hai hàng ngoài cách mép khoảng 15cm.

  • Lên luống rộng khoảng 0.6m, phần rãnh luống rộng 0.3m và chiều cao đạt 15 – 20cm. Mỗi luống rạch thành 2 hàng, mỗi hàng cách nhau 30cm nằm dọc theo luống. Ở hai hàng ngoài yêu cầu cần cách mép khoảng cách tiêu chuẩn là 15cm. 

2.2. Xử lý hạt giống trước khi gieo đậu phộng


Trước khi đem hạt gieo trồng, bà con nên xử lý hạt giống thật cẩn thận. Sau đây, VNFarm sẽ hướng dẫn bà con cách xử lý hạt nhé:

  • Ngâm ủ trước khi gieo: Ngâm trong nước khoảng 3 – 4 giờ ở nhiệt độ thường, sau đó đem đi ủ trong khoảng 10 – 12 giờ cho đến khi rễ mầm dần nhú ra khỏi vỏ lụa của hạt lạc thì đem ra trồng.

  • Gieo trực tiếp: Trước khi gieo tiến hành vẩy ướt đều, cho hạt giống xuống lỗ, tiến hành lấp hạt với độ sâu tiêu chuẩn là 3 – 5cm.

2.3. Tiến hành trồng đậu phộng 


Hạt giống không được bóc vỏ ra trước đó, chỉ bóc vỏ khi bắt đầu tiến hành gieo hạt. Thông thường, lượng hạt giống sử dụng cho 1ha ruộng trồng là khoảng 220 – 250kg hạt khô, độ ẩm khoảng 8 – 9%. 

Sau đây là 2 cách trồng đậu phộng phổ biến nhất: 

  • Trồng rạch hàng: Tiến hành kẻ rãnh trên hàng, trồng theo rãnh với khoảng cách là 10cm/ hạt, khoảng cách giữa 2 rãnh sẽ là 20 – 25cm.

  • Trồng theo lỗ: Mỗi hàng ngang bà con để 4 – 5 lỗ, mỗi lỗ trồng khoảng 2 – 3 hạt với khoảng cách tiêu chuẩn giữa các lỗ là 20 – 25cm, đảm bảo hàng cách hàng là 25 – 30cm.

3. Hướng dẫn cách chăm sóc cây đậu phộng

3.1. Tưới nước cho cây đậu phộng


Xem thêm:

Khi thời tiết không mưa, khi cây đậu phộng đang ra hoa, bà con tiến hành tưới nước nhằm duy trì độ ẩm phù hợp. Bà con có thể tưới nước bằng 2 cách cơ bản là tưới phun đều lên ruộng lạc, hoặc tưới đầy các rãnh.

Trước khi thu hoạch nên giảm lượng nước tưới. Cách 10 ngày trước khi nhổ đậu không được tưới nước vì sẽ làm hạt trong đất nảy mầm. Một ngày trước khi thu hoạch cho nước vào ruộng đậu để khi thu hoạch nhổ không bị đứt trái.

Đặc biệt, phải đảm bảo đất có độ ẩm khoảng 70% trong hai giai đoạn quan trọng là thời kỳ 3 lá thật và thời kỳ ra hoa.

3.3. Trồng dặm và làm cỏ cho cây đậu phộng


3.3.1. Trồng dặm cho cây đậu phộng

Sau khoảng 3 đến 5 ngày thực hiện cách trồng đậu phộng thì mầm sẽ mọc đều, lúc này nên kiểm tra và dặm lại ở những vị trí hạt bị chết. Việc dặm lại giúp duy trì mật độ phù hợp, đảm bảo năng suất khi thu hoạch.

3.3.2. Dọn cỏ quanh gốc đậu phộng

Sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để phòng trừ cỏ dại trước hoặc sau khi gieo hạt giống từ 1 đến 3 ngày. Điều này giúp giảm thiểu tối đa cỏ dại phát triển trên ruộng trồng.

Cây đậu phộng khi sinh trưởng có từ 3 đến 6 lá lúc này cần tiến hành làm cỏ, sử dụng một số loại thuốc trừ cỏ chuyên dụng phù hợp.

Ở những giai đoạn tiếp theo việc làm cỏ cần thực hiện thủ công, không để cỏ dại gây ảnh hưởng tới ruộng trồng.

3.4. Vun gốc (xới gốc) cây đậu phộng


Khi hạt giống bắt đầu nhú mầm, bà con dùng tay bới nhẹ gốc giúp lá mầm dễ dàng mọc lên khỏi mặt đất.

Khoảng 13 ngày sau khi gieo trồng cần tiến hành xới nhẹ ở ruộng trồng, ở giai đoạn này có thể kết hợp với bón phân.

Khi cây ra hoa cần thực hiện việc vun gốc để tạo điều kiện cho quá trình đâm tia của cây đậu phộng thuận lợi, đảm bảo năng suất cao. 

3.5. Bón phân cho cây đậu phộng


Trong quá trình thực hiện cách trồng đậu phộng, bà con cần cân bằng giữa bón lót và bón thúc cho cây. 

3.5.1. Bón lót 

Để đất được cải thiện và có đầy đủ dinh dưỡng bà con cần thực hiện bón lót để tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng tốt hơn. Sử dụng 50 – 70kg phân bón hữu cơ bón trực tiếp trên đất trồng. Bón phân cần kết hợp làm cỏ, xới xáo và phơi ải khoảng 15 ngày trước khi xuống giống.

3.5.2. Bón thúc

  • Bón thúc lần 1: Sau khoảng 10 – 15 ngày sau khi gieo là thời điểm bà con bón phân cho cây, sử dụng 20 – 30kg/ 1000m2/ lần bằng phân bón NPK 20-20-15 hoặc NPK 16-16-8.

  • Bón thúc lần 2: Sau khoảng 25 – 30 ngày gieo hạt tiến hành bón từ 20 – 30kg/ 1000m2/ lần bằng phân bón NPK 17-7-17 hoặc NPK 15-15-15. 

4. Thu hoạch và bảo quản đậu phộng 

4.1. Thời điểm thu hoạch đậu phộng


Thu hoạch đậu phộng vào những ngày nắng ráo, mặt ruộng khô. Khi gần đến ngày thu hoạch, bà con có thể nhổ 1, 2 cây đậu phộng để kiểm tra và xác định thời gian thu hoạch thích hợp nhất.

Khi kiểm tra thấy cây đậu phộng có nhiều lá vàng, vỏ quả cứng, chắc, ít quả lép, 70-75% quả chín là lúc có thể thu hoạch đậu phộng. 

4.2. Bảo quản đậu phộng


Sau khi nhổ đậu lên, nên rải cây ra thành hàng để phơi nắng khử mầm bệnh lần cuối. Sau đó bà con nhặt quả ra khỏi cuống, và loại bỏ các hạt lép.

Nếu bà con muốn bảo quản lưu trữ đậu phộng để chờ đến khi bán được giá thì đậu phộng cần phải được phơi thật khô vài nắng. Phơi đến khi lắc đậu nghe thấy tiếng lóc cóc là được. 

Bảo quản đậu trong bao bố, và để ở nơi khô ráo, không bị ẩm ướt cũng không bị kiến, mọt ăn. 

4.3. Xử lý bảo quản hạt sau thu hoạch


Sau khi thu hoạch, bà con có thể giữ lại hạt để gieo trồng cho mùa vụ sau. Quá trình bảo quản hạt giống cũng đóng vai trò quyết định tỷ lệ nảy mầm của giống khi gieo trồng đợt sau. 

  • Bảo quản bằng kho lạnh: Nhiệt độ 12 độ C thì sau 12 tháng tỷ lệ nảy mầm vẫn đạt 95,6%, màu sắc vỏ lụa ít bị biến đổi. 

  • Bảo quản kín trong phòng: Sau 6 tháng tỷ lệ nảy mầm đạt 89,5%, sau 8 tháng đạt 76,1% nhưng nếu để từ 9-12 tháng thì tỷ lệ nảy mầm giảm mạnh còn trên dưới 50 %.

Trước khi đem bảo quản hạt trong kho, bà con cần xử lý hạt qua một số công đoạn: 

  • Phơi khô và tách vỏ đậu: Sau khi phơi khô 3-4 nắng thì đem đậu phộng đi tách hạt khỏi vỏ, loại bỏ các hạt lép, hạt vỡ, hạt kém chất lượng.

  • Đóng gói bảo quản: Sau đó cho vào túi nilon và bảo quản ở nơi khô ráo, tránh để kiến, mọt ăn hạt. Không được mở nylon cho đến khi chuẩn bị gieo vì hạt lạc rất dễ mất sức nảy mầm. Không nên giữ hạt giống quá 1 năm, tốt nhất nên sử dụng giống chuyển vụ.

Trên đây là cách trồng đậu phộng mà chúng tôi muốn chia sẻ với bà con. Khi trồng đúng kỹ thuật kết hợp với chăm sóc tốt sẽ đem lại năng suất cao. Hy vọng, với những thông tin mà VNFarm chia sẻ có thể giúp bà con có được một mùa đậu phộng chất lượng và đem về giá trị kinh tế cao. 

VNFarm website chuyên chia sẻ cách trồng và cách phòng trừ bệnh trên cây rau, vì vậy nếu cây trồng bạn đang có dấu hiệu bị sâu bệnh hại thì hãy liên hệ với chúng tôi để nhận tư vấn trực tiếp nhé!


Liên hệ