Hướng dẫn chi tiết cách trồng cây hẹ bằng thân đơn giản tại nhà

09:52:58 24/04/2023

Cây hẹ không chỉ được dùng trong nhiều món ăn mà còn có tác dụng thần kỳ trong việc chữa một số loại bệnh như giảm đau nhức, táo bón, cảm,... Vì vậy, ngày càng nhiều người đã tự tìm cách trồng hẹ tại nhà để có thể tự cung tự cấp nguồn thực phẩm sạch tại nhà. Hãy cùng VNFarm tìm hiểu cách trồng cây hẹ đơn giản ngay sau đây bạn nhé!

Xem nhanh

1. Đôi nét về cây hẹ mà bạn nên biết

1.1. Cây hẹ là cây gì?


Cây rau hẹ hay còn được gọi là cửu thái, khởi dương thảo. Đây là cây thân thảo, chiều cao trung bình khoảng 20 đến 40cm, giàu dược tính, mùi thơm, không chỉ dùng chế biến món ăn mà còn lá cây thuốc chữa bệnh.

Hẹ là loại cây thân thảo, nhìn giống như một loại cỏ, thường có chiều cao khoảng 20 - 50 cm tùy vào đất và mùa vụ. Hẹ có mùi đặc biệt, giò hẹ nhỏ hơn giò hành, dài và mọc thành từng túm, có rất nhiều rễ con. 

Lá hình dẹp, dài, bản lá hẹp nhưng dày. Cây hẹ thường có 4 - 5 lá, dài khoảng 10 - 30cm, rộng 1,5 - 10mm, đầu lá nhọn. 

Hoa hẹ có màu trắng, mọc thành từng cụm ở đầu một cán hoa như hình dạng bóng đèn. Quả có hình trái xoan ngược. Hạt hẹ nhỏ có màu đen. 

1.2. Cây hẹ có tác dụng gì?


Theo y học cổ truyền, cây lá hẹ có tính nhiệt, vị cay và có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ, giải độc. Lá hẹ chuyên trị các bệnh như: Đau tức ngực, nấc, ngã chấn thương.

Phần gốc rễ của cây hẹ cũng có tính ấm, vị cay và được sử dụng để chữa bệnh ngực bụng đau tức do thực tích và một số chứng ngứa. Hạt của cây hẹ có tính ấm, vị cay ngọt và có nhiều tác dụng như bổ Can, bổ Thận, tráng dương, cốt tinh. Hạt hẹ thường được sử dụng làm thuốc chữa một số bệnh như: Tiểu tiện nhiều lần, mộng tinh, di tinh và lưng gối yếu mềm.

Với nhiều tác dụng có lợi cho sức khoẻ nên cách trồng cây hẹ tại nhà rất được nhiều bà con quan tâm. Vậy cách trồng hẹ có khó không? Xem phần thông tin bên dưới đây nhé!

2. Các bước chuẩn bị để tiến hành trồng hẹ

2.1. Đất thích hợp trồng hẹ


Đất thích hợp để thực hiện cách trồng cây hẹ là loại đất tơi xốp, màu mỡ, thoáng khí, tốt nhất là loại đất thịt, thịt pha cát. Nên chọn đất có hệ thống tưới tưới và tiêu nước tốt. Sau khi trồng được 10 - 12 tháng thì phá bỏ gỗ, thay đổi đất bằng cách sử dụng đất tầng sâu đưa lên làm tầng trên. 

Xử lý đất bằng cách cày xới, dọn sạch cỏ, xử lý bằng vôi sau đó phơi khô đất khoảng 15 - 20 ngày để khi thực hiện cách trồng hẹ bằng cây thì cây có thể sinh trưởng tốt và hạn chế được sâu bệnh. 

2.2. Chọn giống hẹ


Thông thường người ta sẽ chọn cách trồng hẹ bằng cây từ vụ trước. Cách đơn giản và nhanh chóng để nhân giống là sử dụng những bụi hẹ tốt có sẵn. Sau đó chỉ cần bứng nguyên gốc rễ cắt bỏ phần rễ mãnh và cắt ngắn lá (chừa lại cách gốc khoảng 5 - 7cm). 

2.3. Dụng cụ trồng hẹ


Bạn có thể trồng hẹ trong thùng xốp, chậu trồng cây, khay nhựa,... bất cứ dụng cụ nào có thể chứa đất. Bạn có thể tùy chọn kích thước của chậu và lưu ý nên đục lỗ thoát nước để tránh ngập úng. 

3. Hướng dẫn cách trồng cây hẹ dễ thực hiện ngay tại nhà


Cách trồng cây hẹ bằng thân (bằng gốc) rất đơn giản nếu bạn thực hiện đúng hướng dẫn bên dưới đây:

Đầu tiên, cho đất trồng đã chuẩn bị vào dụng vụ trồng. Trồng từng nhánh hẹ vào đất, cách nhau khoảng 8 - 10cm, sau đó lấp đất kín các nhánh. Dùng tay ấn đất cho thật chặt, phủ lên một lớp rơm rạ mục, tưới nước. Khoảng 5 - 7 ngày sai khi trồng các nhánh hẹ sẽ bắt đầu mọc mầm.

4. Hướng dẫn cách chăm sóc hẹ sau khi trồng 

4.1. Tưới nước


Thực hiện tưới nước mỗi ngày 3 lần, cho đến khi cây hẹ bén rễ và phát triển thì có thể giảm lượng nước mỗi ngày 2 lần, tránh tưới nước vào buổi trưa. 

Hẹ thường bị cỏ dại cạnh tranh chất dinh dưỡng vì vậy việc làm sạch cỏ là điều cần thiết. Mỗi lần tưới phân cần kết hợp với việc nhổ sạch cỏ dại mọc xung quanh. Những loại cỏ thường gặp như cỏ gấu, cỏ chác và các loại cỏ lá rộng nên cần nhổ tận gốc đem phơi cho chết hoặc đào hố lấp xuống đất. 

4.2. Bón phân


Bón phân là việc quan trọng trong cách trồng cây hẹ. Hẹ thường ít bị các loại sâu bệnh tấn công. Vì vậy việc phòng trị bệnh cũng trở nên dễ dàng hơn. 

Trước khi tưới phân cần bón một ít tro bếp quanh gốc hẹ sau đó hòa phân tưới chỗ gần gốc, vun nhẹ gốc làm cho đất tơi xốp để hẹ phát triển nhanh. Bạn có thể sử dụng các loại phân hữu cơ được ủ hoai mục để bón cho hẹ. 

4.3. Phòng trừ sâu bệnh cho cây hẹ


Một số sâu bệnh hại thường thấy đối với cách trồng cây hẹ bằng thân, bằng gốc đó chính là:

  • Sâu đục gân lá: Làm cho lá hẹ có màu trắng, hay sọc trắng có thế sử dụng Leven phòng trừ.
  • Bệnh vàng lá, lá vàng theo từng chòm: Giảm phần, giảm nước, rải tro bếp với vôi theo tỷ lệ 1:5.
  • Bệnh thối nhũn: Tiến hành nhổ bỏ cây bệnh và phun Trium để phòng trừ bệnh.

5. Thu hoạch và để giống hẹ

5.1. Thời điểm thích hợp để thu hoạch hẹ


Xem thêm:

Sau khi trồng hẹ khoảng 55 - 60 ngày, bạn có thể thu hoạch hẹ lần đầu tiên. Sau khi thu hoạch đợt 1 vẫn tiếp tục chăm sóc hẹ bình thường để chờ đến lần thu hoạch tiếp theo. Đợt thu hoạch tiếp theo cách nhau khoảng 35 - 40 ngày. Lúc này cây nảy bụi mạnh, lá xanh tốt và cứng chắc. 

Khi thu hoạch nên loại bỏ những lá già, lá bị bệnh, Rửa hẹ với nước sạch. Bảo hẹ ở nơi thoáng mát, không có ánh nắng mặt trời. 

5.2. Thu hoạch hẹ để giống


Có 2 cách để giống hẹ cho đợt trồng tiếp theo. Đó là để giống bằng thân và để giống bằng hạt. 

  • Để giống bằng thân: Sau khi thu hoạch để lại cây khỏe mọc đều, vun nhẹ gốc, tưới nước, chăm sóc để hẹ có củ to, mập. Khi cần trồng thì chỉ cần nhỏ cây, bỏ bớt lá đem trồng như cách đã trình bày ở trên. Hoặc chờ đến khi hẹ có củ chắc, lá tàn bớt, nhổ cả cây buộc túm, treo trên dây, phơi trong bóng râm, sau khi phơi nắng, rồi đem bảo quản để trồng cho vụ sau. Nếu củ bị thối, cần loại bỏ, đem hẹ phơi ngoài nắng khoảng 5 - 6 giờ lại đem vào bảo quản, không nên để thành đống to, vì nhiệt độ cao dễ làm thối củ.

  • Để giống bằng hạt: Để cây hẹ phát triển tốt, chăm sóc cho hẹ ra hoa, kết trái, sau đó thu trái về và chà lấy hạt (chỉ nên chà nhẹ lớp vỏ bên ngoài), phơi ở nhiệt độ khoảng 35 - 40 độ C, sau đó cho vào lọ và đậy kín nắp để gieo cho vụ mùa sau. 

Trên đây là toàn bộ những thông tin về cách trồng cây hẹ, cách chăm sóc cũng như thu hoạch hẹ. Mong rằng từ những thông tin này có thể giúp bạn tự trồng được hẹ tại nhà. Hãy ghé VNFarm thường xuyên để biết thêm nhiều kiến thức cây rau nhé! 


Liên hệ