Hướng dẫn cách trồng cây dứa (khóm) đơn giản tại nhà
Dứa là một loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Để cung cấp cho thị trường những trái dứa chất lượng. Bà con phải trồng và chăm sóc cây dứa thật kỹ lưỡng để cây đem lại năng suất cao. Với mục đích giúp đỡ những ai có mong muốn bắt tay trồng loại cây này khi chưa có nhiều kinh nghiệm, VNFarm xin chia sẻ cách trồng cây dứa siêu đơn giản ngay sau đây.
1. Các bước chuẩn bị trước khi tiến hành trồng cây dứa
1.1. Đất trồng dứa
Đất trồng dứa (khóm) nên chọn loại có kết cấu nhẹ, đảm bảo thoát nước tốt, mực nước ngầm thấp và hơi dốc. Đối với những vùng đồi thoai thoải của trung du phía Bắc và Đông Nam được xem là vùng đất lý tưởng nhất để trồng dứa. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long mực nước cấp thấp lại chịu ảnh hưởng của phèn nên muốn trồng dứa phải đào mương lên liếp cao.
Khi trồng ở những vùng đồi có độ dốc cao nên trồng thành hàng, dưới mỗi hàng có thể trồng hàng cây cốt khí hoặc cây muồng để hạn chế xói mòn đất, che bóng cho trái không bị rám nắng và góp phần cải tạo đất.
Dứa là loại cây có bộ rễ yếu và ăn nông, để tăng năng suất nên trồng ở đất có tầng tơi xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, có khả năng thoát nước tốt vào mùa mưa.
1.2. Thời vụ thích hợp để thực hiện cách trồng cây dứa
Dứa là loại cây dễ trồng và thích hợp với nhiều kiểu thời tiết ở nhiều vùng miền khác nhau. Việc trồng dứa vào đúng thời vụ có thể giúp dứa phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh tấn công.
Ở các tỉnh miền Bắc: Có thể trồng vào vụ xuân từ tháng 3 - 4 Dương Lịch và vụ thu từ tháng 8 - 9 Dương Lịch.
Ở các tỉnh miền Nam: Có thể trồng vào vụ hè từ tháng 4 đến tháng 6.
1.3. Mật độ trồng dứa
Để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch, bà con nên trồng dứa theo hàng kép, có nghĩa là trồng từng băng 2 thành hàng một.
Khoảng cách giữa các băng khoảng 80cm, giữa 2 hàng trên cùng 1 băng là 40cm, trên hàng cây cách nhau 30cm, với cách trồng như vậy thì mật độ khoảng 55.000 cây/ha.
Bà con có thể tăng một băng lên 3 hàng, khoảng cách giữa các hàng vẫn là 40cm để tăng mật độ trên 60.000cây/ha. Tuy nhiên, nếu trồng 3 hàng một băng sẽ rất khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch.
Ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trồng theo từng liếp nên sẽ không chia thành từng băng mà trồng với khoảng cách đều nhau, khoảng 50 - 60cm, mật độ trồng là 20.000 - 30.000 cây/ha.
1.4. Chọn giống dứa để trồng
Nên chọn giống dứa từ những vườn dứa khỏe mạnh, sạch bệnh, đồng đều, đã cho năng suất cao ở vụ mùa trước và chỉ lấy chồi ở những cây có trái bình thường không bị dị dạng.
Lấy giống đúng thời vụ trồng và tuổi chồi phù hợp. Chọn được chọn phải đồng đều, cùng loại không được trồng xen lẫn các loại chồi hoặc trồng xen chồi to, chồi nhỏ với nhỏ.
2. Cách trồng cây dứa đúng chuẩn
2.1. Tạo rãnh/ lỗ trồng dứa
Trước khi tiến hành cách trồng cây dứa cần làm đất bằng phẳng trên mặt liếp. Căng dây thành hàng trên luống theo khoảng cách đã định sẵn để đánh rãnh hoặc đào lỗ trồng thẳng hàng. Dùng dao chọc lỗ trồng rộng khoảng 7 -10cm, sâu 5 - 7cm trên hàng theo khoảng cách đã bố trí. Bà con cũng có thể sử dụng cuốc để đào lỗ trồng.
Nếu trồng dứa có che phủ nilon, sau khi bón phân, lên luống tiến hành phủ nilon lên mặt luống, dùng đất lấp chèn hai mép nilon.
Sau đây là 2 cách đục lỗ trên lớp nilon:
-
Dùng dao đục lỗ hình chữ thập tại những vị trí trồng cây để cho cây có thể sinh trưởng.
-
Dùng ống sắt hoặc lon sữa bò rỗng có đường kính khoảng 8cm, cắt hình răng cưa sắc để đục lên lớp phủ nilon.
2.2. Đặt cây giống vào lỗ, rãnh
Tiến hành đặt gốc chồi thẳng đứng vào lỗ trồng dứa. Đối với những chồi ngọn nên đặc sâu khoảng 3cm, chồi cuống 5cm và chồi nách khoảng 6 - 8cm là phù hợp.
Khi đặt chồi vào lỗ không nên để bắn đất vào nõn chồi và không nên trồng quá sâu rễ sẽ gây thối. Trước khi trồng cần bóc tách bỏ vài lá ở gốc rễ để rễ mọc ra, nếu chồi dài có thể cắt bớt lá.
2.3. Lấp đất
Sau khi thực hiện xong cách trồng cây trồng dứa, bà con nên ém chặt đất quanh gốc để cây có thể đứng vững, không để đất lấp vào nõn dứa và nõn dứa phải cao hơn mặt đất để khi mưa đất không lấp nõn.
3. Hướng dẫn cách chăm sóc cây dứa sau khi trồng
VNFarm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây dứa được chúng tôi tổng hợp từ các bà con nhà vườn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây dứa.
3.1. Tưới nước cho cây dứa
Xem thêm:
- Mách bạn kỹ thuật trồng na ra nhiều trái
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng na Thái Lan
Ở các tỉnh phía Nam thường thiếu nước, xảy ra từ tháng 11 đến tháng 5. Vùng trồng dứa ở miền Trung do lượng mưa thấp, lượng bốc hơi cao, nắng gắt và gió nóng Tây Nam nên gây tình trạng thiếu nước vào các tháng 6 - 7 - 8.
Vào những thời điểm này, bà con cần tưới nước cho cây định kỳ 3 lần/tháng. Lượng nước mỗi lần tưới phải tương đương với lượng mưa 30 - 40mm, áp dụng theo phương pháp tưới thấm sao cho nước thấm sâu, không gây rửa trôi đất.
Giữ ẩm cho đất bằng cách ủ gốc cho cây dứa, bà con có thể sử dụng màng phủ nông nghiệp hoặc nguyên liệu có sẵn dễ tìm như rơm rạ,... kết hợp với biện pháp xới đất và vun gốc.
3.2. Bón phân cho cây dứa
Bón phân là bước chăm sóc quan trọng nhằm giúp cây đạt năng suất cao, cây cho nhiều trái đạt chất lượng. Bà con có thể tham khảo cách bón phân mà VNFarm chia sẻ sau đây nhé!
3.2.1. Bón lót
Tiến hành bón lót cho cây vào vụ đầu hoặc sau mỗi vụ thu hoạch. Phân bón lót chủ yếu là các loại phân chuồng, phân rác, phân vi sinh, phân xanh, phân lân, vôi,.... với liều lượng 10 - 15 tấn/ha.
Không nên bón quá nhiều vôi vì cây dứa cần đất hơi chua, lượng vôi cần khoảng 100 - 200 kg/ha tùy thuộc vào độ chua đất, không ưa lượng canxi cao, lượng lân nguyên chất là 30 - 50 kg tương đương với 200 - 350 kg super lân.
Sau 3 năm trồng liền nhau, bà con nên phá vườn dứa để trồng lại, có thể băm nát thân lá và trộn với đất cũng rất tốt.
3.2.2. Bón thúc
Khi bón thúc cho cây dứa tốt nhất là sử dụng hỗn hợp đạm, kali với liều lượng cho 1 cây 5 - 8 gram N + 10 - 15 gram K2O, tương đương với khoảng 10 - 20 gram Urê + 20 - 30 gram Clorua Kali. Nên chia làm 3 lần bón.
Bà con cũng có thể bón 1 lần sau khi dứa ra hoa và chỉ dùng Kali, bổ sung thêm 1 số vi lượng.
Bà con tiến hành xới nông 2 bên hàng kép cách gốc một khoảng 15 - 20cm và rải phân sau đó lấp đất lại. Sau khi rải phân cần tưới nước ngay. Ngoài ra, bà con có thể phun phân bón lá vài lần để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây.
Trên đây là những thông tin chi tiết về cách trồng cây dứa. Mong rằng với những thông tin này có thể phần nào giúp được bà con trong việc trồng và chăm sóc dứa. Ghé VNFarm thường xuyên để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích bạn nhé!
Tìm kiếm những hướng dẫn chi tiết về trồng và phòng bệnh cho cây ăn quả qua các bài viết mới nhất trên VNFarm.