Hướng dẫn chi tiết cách trồng hoa thiên lý ra hoa quanh năm

09:56:16 25/04/2023

Hoa thiên lý đã không còn quá xa lạ với nhiều bữa cơm của người Việt, không những vậy thiên lý còn có mặt trong một số bài thuốc dân gian chữa bệnh cũng như giảm cân hiệu quả. Vậy cách trồng cách hoa thiên lý có đơn giản không? Cùng VNFarm tìm hiểu cách trồng và chăm sóc thiên lý ngay sau đây! 

Xem nhanh

1. Giới thiệu về cây hoa thiên lý


Hoa thiên lý có tên khoa học Telosma cordata (Burm. F) Merr, là loài thực vật dạng dây leo. Trong tự nhiên, hoa thiên lý mọc nhiều ở cánh rừng thưa, nhiều cây bụi. Hiên nay, hoa được trồng ở nhiều nơi như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Pakistan, Việt Nam; châu Âu, Bắc và Nam Mỹ.

Thiên lý thuộc loại thân thảo, dây leo, mảnh và không có tua cuốn, thân hơi có lông ở những thân còn non. Thân dài từ 1 - 10m và có màu lục ánh vàng. 

Lá thiên lý có hình tim, cuống dài 1 - 5cm, lông trải đều trên gân lá, đầu lá nhọn, phiến lá hình trứng dài khoảng 4 - 12cm, rộng khoảng 3 - 10cm. 

Hoa mọc thành nhiều chùm to dưới nách lá, mỗi hoa có 5 cánh mở rộng màu xanh lục hoặc ngả vàng, mỗi cuống hoa dài 0,5 - 1,5 cm, có lông măng. Tràng hoa sẽ có màu xanh lục ánh vàng, ống tràng dài khoảng 6 - 10mm và rộng 4 - 6mm. Hoa thường nở vào đầu tháng 5 đến tháng 10 và kết thúc vào khoảng tháng 10 đến tháng 12. 

2. Các bước chuẩn bị để trồng hoa thiên lý

Trước khi thực hiện cách trồng hoa thiên lý thì bạn cần chuẩn bị một số vật dụng như sau:

2.1. Chuẩn bị đất trồng hoa thiên lý


Khi trồng thiên lý bạn nên chọn loại đất thịt pha cát. Đất phải đảm bảo được độ tơi xốp, khả năng hút ẩm cũng như khả năng thoát nước tốt. Thiên lý không thích hợp trồng trên đất úng sẽ dễ thối rễ và chết cây. 

Trước khi thực hiện cách trồng hoa thiên lý, bạn nên bón lót bằng phân chuồng ủ hoai, một ít phân NPK và phân lân để cung cấp dinh dưỡng cho đết. Kết hợp xới đất cho tơi xốp, việc này nên thực hiện trước khoảng 10 ngày. 

2.2. Thời vụ trồng hoa thiên lý


Trồng thiên lý vào bất kỳ thời điểm nào quanh năm. Nhưng để hoa thiên lý ra hoa nhanh và có thể ra hoa quanh năm thì bạn nên trồng vào khoảng tháng 6 đến tháng 8 Dương lịch ở các tỉnh miền Trung và Nam. Các tỉnh miền Bắc thì trồng vào tháng 2 - tháng 4 Dương lịch.

2.3. Cách chọn giống thiên lý


Chọn giống là một trong những bước quan trọng trong cách trồng hoa thiên lý vì sẽ quyết định đến sản lượng cũng như chất lượng của hoa sau này. 

Bạn có thể lựa chọn hạt giống ở cửa hàng bán hạt giống uy tín, nên chọn những hạt chất lượng, không bị sâu bệnh và có tỷ lệ nảy mầm cao. 

Hoa thiên lý cũng có thể trồng bằng dây có sẵn. Có thể chọn 1 trong 2 loại sau đây: 

  • Dây thân: Sau khi trồng, cây khỏe mạnh ra hoa nhan nhưng tuổi thọ cây không cao, chỉ khoảng 2 - 3 năm. 

  • Dây lươn: Sau khi trồng, cây khỏe mạnh, có tuổi thọ cao khoảng 4 - 5 năm. Nhưng thời gian ra hoa chậm hơn dây thân. 

Bạn nên chọn dây thân để thu hoạch nhanh, cho năng suất cao và tiết kiệm được thời gian công sức.

2.4. Chuẩn bị cọc và làm giàn hoa thiên lý


Để giàn thiên lý chắc chắn không bị ngã và có thể sử dụng bền lâu, bạn nên chọn những cọc bê tông hoặc sắt có chiều dài 2m. 

Dùng cọc đã chuẩn bị chôn xuống đất khoảng 20 - 30cm giúp cọc chắc chắn không bị ngã, khoảng cách giữa các cọc nên từ 3 - 3.5m. Đóng cọc thành 2 dãy ở 2 bên mép giàn hoa, phía trên dùng kẽm căng đan xe với nhau thành giàn. 

Nếu đất rộng thì có thể chia thành nhiều giàn hoa thiên lý khác nhau, mỗi giàn cách nhau 1m rộng từ 5 - 8m. 

3. Hướng dẫn chi tiết cách trồng hoa thiên lý tại nhà

Thực hiện cách trồng hoa thiên lý theo các bước dưới đây:

3.1. Cách trồng hoa thiên lý bằng cành


Bước đầu tiên trong kỹ thuật trồng hoa thiên lý là chọn cành đạt tiêu chuẩn để giâm. Khi chọn những cành giâm bạn nên chọn những dây thiên lý bánh tẻ già thân to và da màu xám. 

Những dây thiên lý như này sẽ có tỷ lệ đâm chồi cao hơn những dây non và xanh. Chọn những dây thiên lý già không mang sâu bệnh, đường kính tối thiểu khoảng 6 - 7mm. 

Sau khi chọn được những dây thiên lý đạt tiêu chuẩn, tiến hành cắt những dây này thành những đoạn ngắn dài khoảng 20 - 25cm để thuận lợi cho phương pháp giâm cành. 

Trước khi ươm, bạn nên chấm 2 đầu vừa cắt vào hỗn hợp tro bếp hoặc tàn hương để chúng không được chảy nhựa sau đó đem đi ươm. 

3.2. Cách kích thích mọc rễ và chồi non


Sau khi đã chuẩn bị những cành đem giâm. Bạn có thể tiến hành làm giá thể để giâm cành. Giá thể bao gồm đất cát pha, phân trùn quế và thuốc trừ nấm bệnh. Sau khi trộn để hỗn hợp khoảng 3 ngày rồi mới đem giâm cành. 

Cắm những cành chuẩn bị vào túi đất, phun tưới ẩm cho toàn bộ cành đã giâm vào đất. Những túi kín như vậy nên đục 1 lỗ nhỏ để nước có thể thoát và làm thông thoáng đất không bị bí. 

Sau khi đã giâm cành, bạn vén cao túi lên và buộc lỏng túi lại. Không nên buộc quá chặt kín miệng vì sẽ gây ngạt khí cho cành. Trong môi trường này cây sẽ giữ được độ ẩm vừa có độ kín gió để kích thích cành đâm rễ và chồi mới. Để những túi ươm này ở nơi râm mát như dưới gốc cây. 

Sau khoảng 1 tuần từ lúc được giâm trong túi ươm, những cành khỏe mạnh nhất sẽ bắt đầu ra rễ và chồi non mới sẽ mọc ra từ các đốt trên thân. Tiến hành chọn những cành giâm có rễ và phần chồi non phát triển nhất đem trồng vào bầu đất.

3.3. Kỹ thuật trồng cây con ra đất và làm giàn cho cây


Sau khoảng 2 tuần, bạn nên trồng những cây con ra nơi nhất định. Chọn những chỗ thông thoáng gió và có nhiều ánh sáng sẽ giúp cây được phát triển khỏe mạnh và thuận tiện hơn cho việc làm giàn. Sau khi thực hiện xong cách trồng hoa thiên lý nên tưới nước ngay cho cây. 

4. Hướng dẫn cách chăm sóc hoa thiên lý sau khi trồng

4.1. Chăm sóc định kỳ cho cây hoa thiên lý


Sau khi thực hiện cách trồng hoa thiên lý, bạn nên duy trì việc tưới nước từ 7 đến 10 ngày thì phần mắt để chừa lại bên trên sẽ bắt đầu đâm chồi non. Các chồi này cần được bảo vệ và tránh bị gãy hỏng. 

Khi thiên lý bắt đầu ra dây, bạn nên chọn những dây tốt nhất để làm dây chính - dây cái, đồng thời bỏ qua một số cây quá nhỏ, không đạt yêu cầu. 

Khi dây thiên lý bắt đầu leo giàn thì bấm ngọn để tạo tán cấp 1. Trên những tán cấp 1 có từ 8 - 10 lá, tiếp tục bấm ngọn các cành để tạo thành tán cấp 2 và phát triển tán cấp 3 tương tự khi toàn bộ dây thiên lý đã keo kín giàn. 

Bạn nên chủ động dẫn các nhánh cho dây thiên lý tránh để các cây quấn vào nhau. Đồng thời tỉa bớt lá già, lá vàng, lá úa. 

Từ năm thứ 2 trở đi, bạn tiến hành tỉa bỏ cành nhỏ, cành bị yếu vào tiết Đông Chí để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh gây hại cho toàn bộ vườn trồng. 

4.2. Cách bón phân cho cây thiên lý


Khi cây leo giàn, bạn nên bón phân lần đầu cho cây bằng cách pha loãng phân với nước theo tỉ lệ 1:20 đem tưới quanh gốc, cách gốc khoảng 60cm tránh ảnh hưởng đến rễ. 

Khi cây bắt đầu ra hoa, tiếp tục bón phân bổ sung, liều lượng mỗi tháng 5 - 10kg phân chuồng ủ hoai mục + 100 - 150g phân tổng hợp NPK loại 20 - 20 - 25 hoặc 16 - 16 - 8. Khi bón không nên xới đất mà chỉ cần rải xung quanh gốc, cách gốc một khoảng nhất định. Sau khi rải cần phủ thêm một lớp mùn hoặc lá khô lên trên để không làm phân bón bốc hơi khi trời nắng nóng. 

4.3. Cách tưới nước cho hoa thiên lý


Rễ thiên lý không ăn sâu vào đất vì vậy cây không chịu được ngập úng. Tuy nhiên bạn nên tưới đủ nước nếu không cây sẽ bị khô hạn, ra hoa ít và cho năng suất thấp. Mỗi ngày tưới nước 2 lần cho cây vào sáng sớm và chiều tối. 

4.4. Phòng trừ sâu bệnh


Xem thêm:

Cây thiên lý có khả năng chống chịu bệnh tốt, ít sâu bệnh hại. Tuy nhiên, cây sẽ bị một số loại sâu hại: rệp, rầy mềm, bọ trĩ, nấm đen. Những loại sâu hại này sẽ phát triển nhanh vào mùa nắng, thời điểm hoa nở rộ. Khi chúng tấn công nhiều bạn hãy sử dụng Vansi để diệt côn trùng gây hại. 

Ngoài ra, cây thiên lý có thể mắc bệnh nấm ở trên thân và lá. Bạn nên thường xuyên tỉa hái lá đừng để lá mọc quá dày ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa. Để xử lý bạn có thể pha nước vôi và đem quét vào những cây có biểu hiện nấm bệnh. 

Ngoài các loại sâu rệp ra thì cây thiên lý còn có thể mắc một số bệnh nấm ở trên thân và lá. Nên thường xuyên tỉa hái lá đừng để lá mọc quá dày ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa và làm xuất hiện nấm. Bạn có thể pha nước vôi và đem quét vào những dây có biểu hiện nấm bệnh để tiêu diệt chúng.

4.5. Cách kích hoa thiên lý ra quanh năm


Vào mùa đông thời tiết lạnh, thiên lý sẽ ngừng ra hoa, tuy nhiên nếu muốn thiên lý cho hoa nhanh và nở quanh năm bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau: 

Tỉa bớt các cành nhỏ, yếu, bị sâu bệnh, nhánh phụ và chỉ để lại nhánh chính trên giàn. 

Sử dụng thêm phân hữu cơ, phân vi sinh, tưới nước để kích thích bộ rễ phát triển. 

Khi thực hiện những bước này thì khi qua mùa đông sang xuân, nhánh chính sẽ được đâm chồi, cho ra cành mới và ra hoa. 

Ngoài ra, vào tháng ngắn ngày như tháng 2 Âm lịch bạn có thể mắc thêm bóng đèn rải đều trên giàn để sưởi ấm cho cây. Đây cũng là cách kích thích cây ra hoa quanh năm. Sưởi ấm mỗi đêm khoảng 4 - 5 tiếng, chia làm 2 khung giờ: từ 19h đến 22h và từ 3h đến 5h sáng. 

5. Thu hoạch hoa thiên lý


Nếu thực hiện đúng cách trồng hoa thiên lý và chăm sóc tốt thì bạn có thể thu hoạch hoa thiên lý vào tháng 5 đến tháng 10 trong năm. Sau tháng 10 thu hoạch, bạn nên tiến hành thêm cách kích hoa vào đầu mùa xuân thì sẽ được hái hoa quanh năm. 

Hoa thiên lý nên được thu hoạch vào buổi chiều. Dùng kéo cắt nhẹ từng chùm hoa. Sau khi thu hoạch đem về rải rộng ra nhà, để trong bóng tối hạn chế hoa nở sẽ giúp tăng giá trị khi bán. 

Trên đây là cách trồng hoa thiên lý vô cùng chi tiết mà chúng tôi đã học hỏi được từ những người trồng thiên lý có kinh nghiệm lâu năm. Hi vọng qua những kiến thức này bạn có thể tự trồng được hoa thiên lý thơm ngát. Hãy ghé VNFarm thường xuyên để biết thêm nhiều kiến thức hay về cách chăm sóc cây rau bạn nhé! 


Liên hệ