Hướng dẫn cách trồng củ dền cho năng suất cao

09:21:08 12/04/2023

Củ dền là một loại rau củ có chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Trồng củ dền hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế rất cao do nhu cầu tiêu thụ loại củ này rất lớn. Có nhiều cách trồng củ dền nhưng phương pháp gieo hạt luôn được bà con nông dân ưu tiên. Cùng VNFarm tìm hiểu về cách trồng củ dền trong bài viết sau nhé.

Xem nhanh

1. Giới thiệu cây trồng

1.1. Củ dền là gì?


Củ dền hay còn được gọi là củ dền đỏ, là một trong nhiều loại củ cải ngọt, có tên tiếng anh là red beet, thường được trồng nhiều tại Anh Quốc, Trung Mỹ, Bắc Mỹ. 

1.2. Đặc điểm của củ dền


Xem thêm:

Củ dền là loại thực vật có rễ phình thành củ, củ có vị ngọt. Cắt ngang củ dền có thể thấy bên trong có nhiều vòng tròn đồng tâm đậm nhạt khác nhau. Màu sắc đặc trưng của củ dền là màu tím than và màu đỏ thẫm, vỏ xù xì. Lá mọc trên mặt đất, các lá củ dền có cuống dài, phiến lá hình trứng và mọc so le.

1.3. Công dụng của củ dền


Củ dền và lá dền có chứa nhiều vitamin, canxi, photpho, natri, sắt, chất xơ,... rất có lợi cho sức khỏe. Công dụng của củ dền đối với sức khỏe con người:

  • Duy trì chức năng thải độc gan: Sắc tố màu betacyanin tạo hiệu ứng dây chuyền đến mạch máu giúp gan loại bỏ các độc tố tốt hơn.

  • Giảm cân: Củ dền có khả năng chống lại sự tích tụ của các lớp mỡ thừa trong cơ thể.

  • Ngăn ngừa các bệnh tim mạch: Củ dền được xem là loại thực phẩm có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch do có chức năng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.

  • Bổ máu: Hàm lượng chất đồng trong củ dền giúp tạo thêm chất sắt cung cấp cho cơ thể. Ngoài ra hàm lượng chất sắt có trong củ dền còn giúp tái tạo và kích thích tế bào máu, cung cấp lượng oxy cần thiết cho cơ thể. 

Với nhiều công dụng hữu ích nên cách chăm sóc và cách trồng củ dền được nhiều người quan tâm hơn. Chi tiết cách trồng củ dền đỏ sẽ được VNFarm tiết lộ ở phần thông tin tiếp theo.

2. Các bước chuẩn bị để trồng củ dền đỏ tại nhà

Đối với cách trồng củ dền thì bạn cần chuẩn bị những vật dụng như sau:

2.1. Chuẩn bị đất trồng củ dền đỏ


Củ dền có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, đây là một loại cây không quá kén đất trồng. Những vùng đất thịt, đất cát pha củ dền sẽ phát triển tốt hơn. 

Trước khi thực hiện cách trồng củ dền đỏ nên trộn phân bò hoai mục, phân trùn quế, vỏ trấu, phân gà, xơ dừa,... vào đất trồng để tăng hàm lượng dinh dưỡng và tăng khả năng thoát nước.

2.2. Chọn và xử lý hạt giống củ dền


Lựa chọn mua hạt giống củ dền tại các cửa hàng uy tín, đảm bảo hạt giống sẽ nảy mầm và sinh trưởng tốt. Hạt giống củ dền có sức sống mạnh mẽ, nên có thể gieo trực tiếp xuống đất. Tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm của hạt thì bà con nên ngâm ủ hạt trước khi gieo trồng.

Ngâm hạt giống củ dền trong nước ấm 40°C, điều này sẽ giúp hạt nảy mầm nhanh hơn. Sau khoảng 3-5 tiếng, vớt hạt giống ra và cho lên 1 lớp bông gòn thấm nước ấm, phủ lên bề mặt 1 lớp bông khác và nhớ tưới ẩm.

2.3. Thời vụ và mật độ thích hợp trồng dền củ


Củ dền có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng nhiều vụ trong năm ở những nơi có nhiệt độ ngày đêm dưới 32°C. Thời gian thích hợp nhất để trồng củ dền là từ tháng 8 đến đầu tháng 2.

Mật độ trồng: gieo các hạt cách nhau 6-8cm, các hàng cách nhau 10-15cm.

3. Hướng dẫn cách trồng củ dền đỏ đơn giản ngay tại nhà 


Quan sát thấy hạt giống nứt ra thì đem ra đất trồng. Tiến hành xới nhẹ đất trồng củ dền khoảng 0,5cm và gieo hạt với khoảng cách giữa các cây là từ 6 đến 8cm, giữa các hàng là 10 đến 15cm.

Hạt gieo xong, phủ lên một lớp đất mỏng lên trên và tưới ẩm đều đặn 2 lần 1 ngày để đảm bảo đất không bị khô. Sau một tuần hạt sẽ nảy mầm và ra lá.

4. Hướng dẫn cách chăm sóc củ dền đỏ 

Áp dụng cách trồng củ dền đỏ đúng cách thì giai đoạn chăm sóc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, chi tiết cách chăm sóc củ dền đỏ như sau:

4.1. Tưới nước cho củ dền đỏ


Công việc quan trọng đảm bảo được năng suất củ dền đó chính là tưới nước. Nên tưới nước mỗi ngày hai lần vào sáng sớm hoặc chiều tối, chỉ tưới vào gốc cây. Không nên tưới vào buổi trưa vì tưới thời điểm này sẽ gây úa lá, quá trình phát triển của cây sẽ bị ảnh hưởng. 

Những ngày mưa nhiều, độ ẩm không khí cao nên giảm tần suất tưới. Khi cây phát triển lá nhiều mà củ không phát triển thì nên giảm lượng nước tưới để kích thích sự phát triển của củ dền.

4.2. Bón phân cho củ dền

Sau khi cây nảy mầm được 15 ngày thì nên bổ sung kali để kích thích củ dền phát triển. Sử dụng phân hữu cơ bón cho đất để tăng độ dinh dưỡng và độ xốp của đất trồng. Sau 1 tháng gieo trồng, bón thêm phân NPK để cung cấp dinh dưỡng, giúp cây phát triển tốt, củ to. Không nên sử dụng các loại phân tươi (phân bò tươi, chưa qua xử lý) bón cho củ dền vì sẽ làm củ dền bị dư hàm lượng nitrat.

4.3. Kiểm soát côn trùng gây hại

Với cách trồng củ dền bằng hạt thì thường xuất hiện một số bệnh hại sau:

4.3.1. Bệnh thán thư trên củ dền


Biểu hiện: Trên lá xuất hiện các đốm nhỏ, trên củ dền xuất hiện các mảng màu đen, củ bị lõm.

Phòng và trị bệnh: Sử dụng Venri tiêu diệt bệnh hoặc dùng nước nóng để xử lý hạt trước khi trồng. Trong quá trình bón phân nên sử dụng đầy đủ hàm lượng phân lân, kali, mangan, boron sẽ giúp củ dền kháng được bệnh thán thư. Nên trồng luân canh cây trồng và vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.

4.3.2. Bệnh chết rạp cây con trên củ dền


Biểu hiện: Xuất hiện các vết bệnh màu nâu và lâu dần sẽ chuẩn thành màu đen. Thân dưới của hai lá mầm và cổ rễ bị teo lại làm cho cây chậm sinh trưởng.

Phòng và trị bệnh: Sử dụng phân kali bón cho cây cân đối và đầy đủ. 

4.3.3. Bệnh đốm lá trên cây củ dền


Biểu hiện: Xuất hiện các đốm hình tròn trên lá, đường kính 2mm. Nếu không điều trị kịp thời kích cỡ các đốm sẽ tăng lên và có nhiều đốm xuất hiện trên lá. Ở giữa các đốm có màu trắng nhạt hoặc nâu tái, mép có màu đỏ tía. 

Phòng và trị bệnh: Chọn những loại hạt giống kháng bệnh đốm lá để gieo trồng. Xử lý hạt giống trước khi trồng và tiến hành phun Trium để trị bệnh. 

4.3.4. Bệnh sương mai trên cây củ dền


Biểu hiện: Lá bắt đầu úa vàng và biến dạng trên lá non (lá bị xoắn lại). Lá mắc bệnh sương mai rất mỏng, các vết bệnh có màu nâu tím.

Phòng và trị bệnh: Để phòng trị bệnh sương mai trên cây củ dền các nhà vườn có thể sử dụng Tabi.

4.4. Thu hoạch củ dền


Củ dền có thể thu hoạch sau 60-80 ngày gieo trồng và chăm sóc. Không nên để củ dền quá già rồi mới thu hoạch. Khi củ dền già, chất lượng củ sẽ bị giảm, củ dền trở nên xơ cứng và hàm lượng dinh dưỡng thấp đi. Khi thu hoạch hãy dùng tay cầm sát gốc cây củ dền, nhổ cả củ và rễ lên. 

Trên đây là những thông tin về cách trồng củ dền được hầu hết các nhà vườn áp dụng. Mong thông qua những chia sẻ của VNFarm có thể giúp bà con nông dân cải thiện được chất lượng cũng như năng suất khi thu hoạch.

Để xem thêm nhiều thông tin hay và hữu ích liên quan đến cây rau thì hãy theo dõi VNFarm nhé!


Liên hệ